Cách công ty thương mại điện tử xây dựng kịch bản vượt Covid-19

Mục Lục

Đại diện nhiều doanh nghiệp Việt cùng nhau thảo luận kinh nghiệm thực tiễn, giải pháp kinh doanh không gián đoạn trong Covid-19 tại hội thảo trực tuyến ngày 24/6.

Hội thảo trực tuyến “Kinh doanh không gián đoạn – Kinh nghiệm và giải pháp sáng tạo” diễn ra ngày 24/6 có sự tham gia của lãnh đạo Tập đoàn FPT, Vinamilk, Nhựa Bình Minh, Twitter Beans Coffee cùng đại diện của hơn 300 doanh nghiệp Việt Nam.

Nguyên tắc “ba cần” và “ba không”

Theo khảo sát nhanh tại sự kiện, ba vấn đề lớn doanh nghiệp đang gặp phải trong duy trì kinh doanh liên tục bao gồm khó khăn trong tiếp cận khách hàng, không đánh giá, quản lý được hiệu suất của nhân viên và phần lớn hoạt động vận hành diễn ra thủ công.

Tại sự kiện, ông Nguyễn Văn Khoa – Tổng giám đốc FPT nhận định, để đảm bảo kinh doanh liên tục, doanh nghiệp cần vận dụng “ba cần” và “ba không”. Trong đó, “ba cần” là cần đảm bảo dòng tiền, cần ứng dụng công nghệ để triển khai cách làm mới và cần chủ động, linh hoạt, sáng tạo tìm cơ trong nguy. Đồng thời để thay đổi sâu từ bên trong, doanh nghiệp cần ưu tiên đồng bộ giải pháp đảm bảo “ba không”: Không bị động, không gián đoạn và không chạm.

Chia sẻ câu chuyện về chủ động, linh hoạt, sáng tạo tăng cường tiếp cận khách hàng, ông Nguyễn Văn Khoa cho biết, Tập đoàn FPT đã thành lập Ban chỉ huy kinh doanh. Đây là bước ngoặt và dấu ấn chuyển đổi mô hình quản trị sang chỉ huy. Sự thay đổi này đã giúp FPT ký được nhiều hợp đồng lớn ở Nhật Bản, Mỹ, Pháp… ngay trong Covid-19.

Kinh nghiệm gỡ khó giúp kinh doanh không gián đoạn của Sếp doanh nghiệp Việt

Ông Nguyễn Văn Khoa – Tổng giám đốc FPT trong hội thảo trực tuyến.

Thảo luận về “ba không” của đại diện FPT, ông Nguyễn Hoàng Ngân – Phó chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh cho biết công ty của ông đã và đang triển khai giải pháp đảm bảo ít chạm, ít bị động và ít gián đoạn nhất.

Theo ông Ngân, để ít chạm, Nhựa Bình Minh đã số hóa dữ liệu nhân viên, tự động hóa nhà máy và triển khai giao tiếp không tiếp xúc. Theo đó, năm 2020, doanh nghiệp đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19. Đơn vị này hoạt động như một phần của cơ cấu điều hành, triển khai kịch bản kinh doanh thời chiến, thực hiện biện pháp phòng dịch, đảm bảo an toàn cho nhân viên để vận hành ít bị động, ít gián đoạn nhất.

Còn với ông Lê Thành Liêm – Thành viên HĐQT, Giám đốc Điều hành Tài chính của Vinamilk, tất cả doanh nghiệp đều khó khăn và buộc phải thay đổi. Do đó, Vinamilk đã có những quyết định thay đổi để tối ưu hóa dòng tiền, quản trị vốn lưu động, hàng tồn kho.

“Công nghệ là yếu tố quan trọng, nhưng trong bối cảnh hiện nay, điều quan trọng nhất là phải đảm bảo sức khỏe cho người lao động, từ đó mới đảm bảo kinh doanh không gián đoạn”, ông Lê Thành Liêm nói.

Số hóa hướng đến doanh nghiệp số

Cũng theo khảo sát tại sự kiện, để đảm bảo kinh doanh diễn ra liên tục, có 49% đại diện doanh nghiệp khẳng định đã ứng dụng giải pháp công nghệ, 46% đại diện doanh nghiệp đang có kế hoạch ứng dụng công nghệ, 94% doanh nghiệp khẳng định đã thúc đẩy đầu tư chuyển đổi số trong năm 2021. Theo ông Nguyễn Hoàng Ngân, Covid-19 có nhiều yếu tố tiêu cực nhưng với doanh nghiệp Việt Nam, có một yếu tố tích cực là giúp đẩy nhanh quá trình số hóa, chuyển đổi số.

Kinh nghiệm gỡ khó giúp kinh doanh không gián đoạn của Sếp doanh nghiệp Việt - 1

Ông Nguyễn Hoàng Ngân – Phó chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh.

Cùng quan điểm với ông Ngân, bà Lâm Thị Kiều Oanh – Nhà sáng lập và Giám đốc Điều hành Twitter Beans Coffee đánh giá, công nghệ đã giúp công ty chủ động tìm lời giải cho bài toán thúc đẩy tinh thần nhân viên. Doanh nghiệp này cũng ra mắt sản phẩm mới, triển khai công việc hiệu quả khi nhân viên làm việc ở nhà.

“Chuyển đổi số không phải là một hành trình quá khó nhưng người lãnh đạo cần hiểu rõ mục tiêu, giá trị của chuyển đổi số, từ đó quyết tâm, bền bỉ và kiên trì triển khai. Hiện nay có nhiều nền tảng, giải pháp công nghệ phù hợp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp chỉ cần làm rõ bài toán của mình”, đại điện Twitter Beans Coffee nói.

Kinh nghiệm gỡ khó giúp kinh doanh không gián đoạn của Sếp doanh nghiệp Việt - 2

Bà Lâm Thị Kiều Oanh – Nhà sáng lập và giám đốc Điều hành Twitter Beans Coffee.

Cuối sự kiện, ông Nguyễn Văn Khoa cho rằng, để quá trình chuyển đổi số diễn ra đúng hướng, người lãnh đạo phải đặt ra đúng đề bài cần giải quyết. Trong đó, doanh nghiệp cần xác định vai trò của công nghệ trong bài toán lớn, sau đó định hướng cho đội ngũ chuyên gia công nghệ triển khai số hóa đúng cách.

Về triển khai giải pháp công nghệ giúp doanh nghiệp vượt thách thức, ông Vũ Anh Tú – Giám đốc Công nghệ FPT cho biết, ưu tiên chuyển đổi số của doanh nghiệp trong đại dịch là đảm bảo nhân viên được an toàn, hoạt động kinh doanh không gián đoạn. Hiện nhiều doanh nghiệp cũng đã có bước tiến đáng kể trong thay đổi vận hành. “Để triển khai toàn bộ quá trình chuyển đổi số cần nỗ lực, quyết tâm vô cùng lớn từ người lãnh đạo”, ông Anh Tú nói.

Theo ông Tú, với mong muốn giúp doanh nghiệp vận hành xuất sắc, tạo trải nghiệm khách hàng vượt trội, khai thác nguồn lực số và củng cố hạ tầng kỹ thuật số, FPT đã phối hợp cùng Base.vn đưa ra bộ giải pháp kinh doanh không gián đoạn với 22 sản phẩm. Bộ giải pháp này phục vụ cho doanh nghiệp trong việc không tiếp xúc, tối ưu chi phí, giao việc tối ưu và quản trị công việc, hiệu suất. Từ đó, giải pháp sẽ giúp doanh nghiệp cắt giảm 60% chi phí, tiết kiệm 30-70%, tiết kiệm 90% thời gian ở một số quy trình.

Đại diện FPT cũng cho biết sẽ triển khai chuỗi hành động nhằm tìm kiếm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp cả về kinh doanh, vận hành đến quản trị nhân sự nhằm đồng hành cùng doanh nghiệp Việt, hướng tới kinh doanh không gián đoạn, giảm thiểu và chủ động ứng phó trước Covid-19. FPT kỳ vọng sự kiện sẽ truyền cảm hứng, tạo thêm động lực giúp doanh nghiệp Việt Nam vượt khó khăn, phát triển bền vững, hướng đến mô hình doanh nghiệp số, đóng góp cho sự phục hồi và phát triển của nền kinh tế.

Nguồn: VNexpress

Facebook
Telegram
Pinterest
Skype

Tin liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0915 611 366

Liên hệ với chúng tôi để được tư vấn!