Hiện tượng quy mô nền kinh tế Việt Nam vượt qua Singapore đang dần dần từ ngạc nhiên đến thực tiễn?
Cuối năm 2019, Tổng cục Thống kê công bố kết quả đánh giá lại quy mô nền kinh tế giai đoạn 2010-2017. Sự kiện này lập tức gây chấn động giới phân tích, quan sát trong nước.
Trung tuần tháng 10 vừa qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế ( IMF ) công bố dự báo quy mô kinh tế Việt Nam cuối 2020 sẽ vượt Singapore và Malaysia, đứng thứ tư ở Đông Nam Á (sau Indonesia, Thái Lan và Philippines). Sự kiện này cũng lập tức tạo nhiều bình luận.
TẦM CẤP MỚI
IMF đã lý giải, một trong những cơ sở được nhấn mạnh là cập nhật số liệu GDP điều chỉnh.
Đến nay, ở các văn bản, các đầu mối diễn đạt, “điều chỉnh”, “tính lại”, “đánh giá lại” là những từ được dùng để nói về quy mô mới của GDP Việt Nam. Điểm chung, sau điều chỉnh hoặc đánh giá lại, quy mô đó tạo tầm cấp mới.
Như trên, GDP Việt Nam được IMF dự báo sẽ lớn hơn Singapore và Malaysia, có tầm cấp cao hơn trong Đông Nam Á. Đáng chú ý, tổ chức này dự báo cụ thể quy mô GDP của Việt Nam năm 2020 sẽ ở mức 340,6 tỷ USD, rất sát với con số Tổng cục Thống kê dự báo.
Cụ thể, như bài viết BizLIVE đề cập vừa qua , trong một dự thảo của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đề ngày 15/10/2020 nêu rõ: Theo đánh giá lại quy mô nền kinh tế của Tổng cục Thống kê, quy mô nền kinh tế năm 2019 là 332 tỷ USD, năm 2020 dự kiến đạt khoảng 340 tỷ USD (7,99 triệu tỷ đồng).
Trở lại cuối 2019, thời điểm lần đầu tiên vấn đề đánh giá lại quy mô nền kinh tế được đưa ra công chúng, bước nhảy lên tới 1,3 triệu tỷ đồng của GDP từng được tính rõ: GDP năm 2017 đạt gần 6,3 triệu tỷ đồng sau đánh giá lại, so với mức hơn 5 triệu tỷ đã công bố.
Kết quả tính toán lại, đánh giá lại mà Tổng cục Thống kê công bố khi đó cho thấy, quy mô nền kinh tế giai đoạn 2010-2017 tăng bình quân 25,4% mỗi năm, trong đó năm 2011 có tỷ lệ tăng cao nhất với 27,3%, còn năm 2015 có tốc độ tăng thấp nhất với 23,8%.
CÂN ĐỐI MỚI
Giai đoạn 2010 – 2017 sau khi đánh giá lại, với bước nhảy 1,3 triệu tỷ đồng cuối đoạn 2017 nói trên, đến nay trở thành tham chiếu để tính tiếp GDP đánh giá lại.
Cũng tại thời điểm trên, Thủ tướng Chính phủ báo cáo trước Quốc hội tại phiên chất vấn ngày 8/11/2019 và cho biết: việc tính toán lại GDP là cần thiết và dữ liệu này chỉ áp dụng sau năm 2020 chứ không đưa vào các báo cáo gửi Quốc hội, văn kiện Đảng.
Nhưng, những chuyển động gần đây cho thấy tầm cấp mới của GDP sau đánh giá lại đã và đang dần dần đi vào thực tiễn.
Như trên, báo cáo và dự báo của IMF là một bước tiếp cận mới. Cùng thời điểm, như trên, dự thảo của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII cũng đã có dẫn chiếu.
Một báo cáo của Kiểm toán Nhà nước vừa gửi đến Quốc hội mà BizLIVE đề cập ở bài viết trước cũng cho biết, Chính phủ dự kiến tỷ lệ bội chi, nợ công, nợ Chính phủ năm 2021 có tham chiếu và so sánh với quy mô GDP đánh giá lại (báo cáo dùng từ “GDP điều chỉnh”).
Cụ thể, theo báo cáo trên, năm 2021 Chính phủ dự kiến bội chi khoảng 4% GDP điều chỉnh (tương ứng khoảng 5% nếu tính theo quy mô GDP chưa điều chỉnh); nợ công dự kiến khoảng 46,1% GDP điều chỉnh và nợ Chính phủ 41,9% GDP điều chỉnh (tương ứng khoảng 59,6% và 53,2% nếu tính theo quy mô GDP chưa điều chỉnh).
Với những thông tin đó, các cân đối lớn của kinh tế nước nhà cũng bắt đầu định hướng tầm cấp mới, như tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước, nợ công, nợ Chính phủ…; hay tới đây tổ chức quốc tế vào đánh giá tỷ lệ đòn bẩy tín dụng trên GDP của Việt Nam hẳn cũng thấy nhiều khác biệt, có thể từ trên 130% kéo về chỉ còn khoảng trên 110% (?).
Có rất nhiều cân đối xoay quanh GDP như vậy, mà liên quan là tiền tươi thóc thật. Ví như, ở trên, tỷ lệ bội chi tính theo mẫu số GDP mới có thể tạo ra quy mô mới.
Hay với người dân, GDP bình quân đầu người tăng lên gần 3.000 USD tại năm 2017 khi đánh giá lại, rồi đến 2019 lên tới 3.442 USD/người, đến 2020 dự kiến tiếp tục lên khoảng 3.490 USD (theo dự thảo của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, dẫn số liệu đánh giá lại quy mô nền kinh tế của Tổng cục Thống kê – NV).
Còn với người dân năm nay, thu nhập thực tế có tiếp tục tăng lên hay không còn để ngỏ, khi mà ảnh hưởng tiêu cực và sâu rộng của đại dịch Covid-19 đã thể hiện, khi mà nhiều tỉnh thành đang chịu ảnh hưởng nặng nề, “thiệt hại kép” năm nay bởi thiên tai, bão lũ đang chồng bão lũ…
Nguồn: CafeBiz