FAO: Giá lương thực toàn cầu giảm nhiệt sau 12 tháng tăng liên tục
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) vừa cho biết Chỉ số giá lương thực toàn cầu FAO trong tháng 6 vừa qua đã giảm 2,5% so với hồi tháng 5, xuống còn 124,6 điểm; đây là lần đầu tiên chỉ số này giảm sau 12 tháng tăng liên tục. Tuy nhiên, FAO cảnh báo chỉ số này vẫn đang cao hơn tới 33,9% so với cùng kỳ tháng 6/2020. Chỉ số giá lương thực toàn cầu FAO giảm xuống trong tháng 6/2021 chủ yếu nhờ giá các loại dầu thực vật và ngũ cốc hạ nhiệt
+ EU áp thuế VAT hàng hóa trực tuyến
Theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, EU đã chính thức áp dụng thuế VAT đối với các giao dịch điện tử của nhà cung ứng từ nước thứ ba đến khách hàng. Điều này buộc các DN Việt Nam cần phải tính bài toán lâu dài khi xuất khẩu vào thị trường này. Cụ thể, từ ngày 1/7/2021, hàng hóa được đưa vào EU có nguồn gốc giao hàng từ nước thứ ba đều thuộc diện chịu thuế VAT và phải khai báo hải quan kể cả hàng hóa có giá trị nhỏ. Các quốc gia EU thành lập Hệ thống IOSS (thủ tục nhập khẩu một cửa) để thông quan hàng hóa với những giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) có giá trị từ 150 Euro trở xuống. Điều này sẽ cho phép người bán hoặc sàn tính thuế VAT tại điểm bán hàng và chuyển trực tiếp cho các cơ quan chức năng.
+ Thái Lan hoàn tất Báo cáo Nghiên cứu gia nhập Hiệp định CPTPP
Báo cáo Nghiên cứu gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Thái Lan đã hoàn tất và sẵn sàng để trình nội các xem xét trong một vài tuần trước khi Chính phủ nước này quyết định có nộp đơn xin gia nhập Hiệp định CPTPP hay không. Nội dung Báo cáo Nghiên cứu gia nhập Hiệp định CPTPP chỉ ra ưu và nhược điểm từ việc gia nhập CPTPP. Ưu điểm của việc gia nhập sẽ thúc đẩy thương mại dịch và hàng hóa, đầu tư. Tuy nhiên, về nhược điểm, Thái Lan sẽ mất cơ hội kinh tế và khả năng cạnh tranh nếu không tham gia Hiệp định. Các vấn đề nhạy cảm mà Thái Lan rất quan tâm bao gồm bảo hộ giống cây trồng, sở hữu trí tuệ và yêu cầu mua sắm chính phủ.
+ Hoa Kỳ: Giá thép đạt mức cao nhất lịch sử, vượt ngưỡng 1.800 USD/tấn
Giá thép tại Hoa Kỳ đã đạt mức cao nhất lịch sử 1.825 USD/tấn trong tuần trước, gấp gần 4 lần so với mức trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Khi Hoa Kỳ phong tỏa trong những tháng đầu năm 2020 nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh, nhiều nhà máy sản xuất thép tại nước này đã đóng cửa vì lo ngại nền kinh tế sẽ rơi vào một cuộc suy thoái sâu, kéo theo đó là sự sụt giảm lâu dài về nhu cầu sử dụng thép. Tuy nhiên, sự sụt giảm nhu cầu sử dụng thép không kéo dài lâu, trái ngược với nhận định của các hãng sản xuất. Ở giai đoạn đầu của đại dịch, việc nhiều người dân Hoa Kỳ ở nhà đã khiến nhu cầu về trang thiết bị gia dùng tăng vọt, kéo theo đó là nhu cầu sử dụng thép. Giá thép được chuyên gia dự đoán chưa đạt đỉnh, vẫn có thể tăng nữa, ít nhất là tới năm 2022.
+ Xuất khẩu gừng Việt Nam vào Úc 4 tháng đầu năm tăng 1.350%
Xuất khẩu gừng đông lạnh sang thị trường Úc đang nhận được nhiều tín hiệu khả quan với tốc độ tăng trưởng vượt bậc. Nhằm đa dạng hoá các mặt hàng nông sản đưa vào thị trường đầy tiềm năng này, Thương vụ Việt Nam tại Úc đang có nhiều hoạt động xúc tiến, thúc đẩy tiêu thụ. 4 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu gừng Việt Nam sang Úc tăng trưởng 1.350% so với cùng kỳ năm trước, đạt doanh thu hơn 348.000 USD. Hiện nay, gừng đông lạnh của Việt Nam không chỉ được bán tại siêu thị, cửa hàng, mà còn được bán online.
+ Doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn được phép nhập khẩu nhãn của Việt Nam
Trong những năm gần đây, khi lệnh cấm nhập khẩu vải thiều ở Hải Dương và Bắc Giang đã được dỡ bỏ thì vào năm 2020 AEON là công ty đầu tiên ở Nhật Bản đưa quả vải vào bán tại cửa hàng. Tại Nhật, sản lượng xuất khẩu tăng 750% so với niên vụ năm ngoái.
Đại diện cho nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, ông Shiotani – Tổng Giám đốc Công ty TNHH AEON OPVALU Việt Nam cho biết: Chúng tôi muốn truyền bá rộng rãi nhãn của Hưng Yên nói riêng, nhãn của Việt Nam nói chung đến không chỉ người dân Việt Nam, mà còn đến tay những người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam. Bước tiếp theo, chúng tôi dự định sử dụng mạng lưới thương mại của AEON để xuất khẩu sang các cửa hàng AEON ở các nước châu Á lân cận.
Nguồn: Tổng hợp