Xuất khẩu thuỷ tinh tăng tới 34%, nhiều tiềm năng phát triển
Tuy tình hình xuất khẩu thuỷ tinh và các sản phẩm từ thuỷ tinh trong năm 2020 giảm so với năm 2019 do dịch COVID 19, đến năm 2021, tình hình dịch bệnh dần được kiểm soát tại nhiều thị trường xuất khẩu, nhu cầu tiêu thụ tăng trở lại khiến kim ngạch xuất khẩu thuỷ tinh và các sản phẩm từ thuỷ tinh của Việt Nam tăng mạnh. Cụ thể, 8 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu thuỷ tinh và các sản phẩm từ thuỷ tinh đạt 747,86 triệu USD, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2020. Thị trường Đông Nam Á chiếm tỉ trọng cao, đạt 490,5 triệu USD, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ trọng xuất khẩu thuỷ tinh và các sản phẩm từ thuỷ tinh có xu hướng tăng sang các thị trường có nhu cầu nhập khẩu trên thế giới như Trung Quốc, Mỹ và thị trường Đài Loan.
Nga tăng nhập khẩu rau quả chế biến từ thị trường Việt Nam
Trong 7 tháng đầu năm 2021, Việt Nam là thị trường cung ứng hàng rau quả chế biến lớn thứ 6 cho Nga, với giá xuất khẩu đạt 1.011,2 USD/tấn, tăng 32,8% so với cùng kỳ năm 2020. Với tỷ lệ gần 90% dòng thuế được cắt, giảm, trong đó 59,3% được xóa bỏ nhờ ký kết Hiệp định VN-EAEU, đây là cơ hội tốt đối với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, trong đó có hàng rau quả chế biến là mặt hàng thế mạnh của Việt Nam xuất khẩu vào Nga. Việt Nam cung cấp nhiều nhất mặt hàng hàng rau quả chế biến (mã HS 2008) cho Nga. Trong 7 tháng đầu năm 2021, lượng nhập khẩu mặt hàng này của Nga đạt 84 nghìn tấn, trị giá 149,8 triệu USD, tăng 6,3% về lượng và tăng 10,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Giá chào bán gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tiếp tục thiết lập giá mới sau khi tăng liên tiếp trong tuần trước. Cụ thể, gạo 5% tấm đã tăng 5 USD, lên 438-442 USD/tấn; gạo 25% tăng mạnh 10 USD, lên 413-417 USD/tấn. Theo thống kê từ Bộ Công Thương, 9 tháng năm 2021, Việt Nam đã xuất khẩu đạt 4,516 triệu tấn, trị giá 2,389 tỷ USD, giảm 9,5% về lượng và giảm 2,4% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Việc xuất khẩu sụt giảm nhẹ là do ảnh hưởng từ đợt bùng phát dịch thứ 4 lan rộng tại khắp các địa phương phía Nam khiến nhiều nhà máy phải tạm ngưng, các cảng cũng hạn chế đóng rút hàng để chấp hành quy định chống dịch.
Phí tuyến vận tải thuỷ huyết mạch Việt Nam – Campuchia giảm hơn 10 lần
Phương tiện thủy hoạt động trên tuyến vận tải thuỷ Việt Nam – Campuchia khi vào, rời cảng biển sẽ nộp phí, lệ phí theo mức quy định mới, thấp hơn 10-11 lần so với giai đoạn trước đó, do bãi bỏ phí hạ tầng cảng biển với phương tiện thủy. Quy định bỏ thu phí cảng biển đã gỡ khó, giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp vận tải thủy. Sau hơn 10 năm triển khai Hiệp định, tuyến vận tải này đã trở thành những tuyến giao thương huyết mạch, có ý nghĩa quan trọng về mặt chính trị, kinh tế, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, đặc biệt là các địa phương trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Nhờ lợi thế về giá, tôm Việt cạnh tranh tốt tại Đức
Giá của tôm Việt Nam thấp hơn so với các nước đối thủ đang là lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm vào Đức trong khó khăn dịch bệnh hiện nay. Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, Đức là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam trong khối EU, chiếm 26% tổng trị giá xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU. Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Đức 7 tháng năm nay tăng 40%, đạt 83,6 triệu USD. Nhìn chung, khả năng cạnh tranh về giá của tôm Việt Nam thấp hơn so với các nước đối thủ, nhưng lại có lợi thế về thuế nhờ hiệp định EVFTA. Ecuador đang là đối thủ cạnh tranh mạnh với tôm Việt Nam trên thị trường Đức. Dịch COVID 19 làm thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân Đức, ưa chuộng các sản phẩm tiện lợi dùng tại nhà như tôm.
Hàng ‘Made in China’ bị truy quét trên đất Mỹ, Trung Quốc phát không 7 tỷ đồng cho mỗi thương gia để bù đắp thiệt hại
Hiện nay, đứng trước thực trạng các sản phẩm “Made in China” đang bị càn quét trên khắp sàn thương mại điện tử Amazon, chính quyền Thâm Quyến đang đưa ra một gói trợ cấp trị giá đến 2 triệu Nhân dân tệ (khoảng 308.000 USD) để hỗ trợ cho mỗi nhà bán hàng Trung Quốc trên nền tảng này. Khoảng 50.000 tài khoản của các thương gia Trung Quốc bị truy quét trên Amazon với thiệt hại lên tới hơn 100 tỷ Nhân dân tệ. Đợt truy quét dữ dội vừa qua của Amazon đối với các đánh giá giả mạo đã là một đòn đánh nặng nề giáng vào tham vọng của Bắc Kinh muốn biến việc bán hàng trực tuyến xuyên biên giới trở thành một mô hình thương mại mới.
Hàng dệt may vào khu kinh tế Á Âu nguy cơ bị áp thuế phòng vệ
Bộ Công Thương cho biết, cuối tháng 9 nhận được công hàm của Ủy ban Kinh tế Á Âu (EEC) thông báo các mặt hàng dệt may của Việt Nam (váy, quần áo phụ nữ,…) xuất khẩu vào Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU) vượt mức ngưỡng hạn ngạch thuế quan ưu đãi nhập khẩu quy định cho năm 2021 trong 7 tháng đầu. Theo quy định của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á Âu (VN-EAEU FTA) về biện pháp phòng vệ ngưỡng với 12 nhóm mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, dệt may đang có nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ ngưỡng khi nhập khẩu vào EAEU. Tuỳ lượng xuất khẩu vượt ngưỡng, các mặt hàng dệt may sẽ bị áp mức thuế MFN (thuế tối huệ quốc) trong 6-9 tháng.
Hội chợ Xuất nhập khẩu Trung Quốc: Tạo động lực cho sự phục hồi hoạt động thương mại quốc tế
Hội chợ Xuất nhập khẩu Trung Quốc lần thứ 130 (Canton Fair) diễn ra vào chiều 14/10 theo hình thức trực tuyến do Bộ Thương mại Trung Quốc và Chính quyền tỉnh Quảng Đông đồng chủ trì tổ chức. Tại kỳ Hội chợ lần thứ 130, Ban tổ chức chia thành 16 ngành hàng, 50 triển lãm chuyên đề, với quy mô 60.000 gian hàng trưng bày trực tiếp và 26.000 doanh nghiệp quốc tế, khách mua hàng toàn cầu tham gia theo hình thức trực tuyến. Trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động ngoại thương truyền thống, mô hình “Triển lãm từ xa” được xem là giải pháp xúc tiến thương mại có hiệu quả và phù hợp trong thời điểm hiện nay, góp phần duy trì và thúc đẩy hoạt động xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Bộ Thương mại Ấn Độ bắt đầu Bộ phận trợ giúp Covid-19 để giải quyết các vấn đề về xuất nhập khẩu
Để ngăn chặn dòng chảy và thúc đẩy các nỗ lực kích thích kinh tế được thực hiện kể từ cuối năm 2020, Bộ Thương mại Ấn Độ đã khởi động Bộ phận trợ giúp COVID-19 dưới sự giám sát của Tổng cục Ngoại thương (DGFT) vào tháng 4 năm 2021. Bộ cho biết: “DGFT đã vận hành ‘Bộ phận trợ giúp COVID-19’ để hỗ trợ và tìm kiếm các giải pháp phù hợp cho các vấn đề phát sinh liên quan đến thương mại quốc tế”. Bộ phận trợ giúp cũng sẽ thu thập và giải quyết các vấn đề liên quan đến thương mại. Nếu kế hoạch này thành công trong việc tạo ra kết quả mong muốn, nó có thể được áp dụng ở một số quốc gia khác để giảm thiểu tác động kinh tế của cuộc khủng hoảng đối với các nhà xuất khẩu và nhập khẩu.
Chuỗi cung ứng Mỹ tắc nghẽn nghiêm trọng
Các cảng lớn nhất của Mỹ tiếp tục dồn ứ, buộc nhiều nhà bán lẻ nước này chấp nhận thuê tàu riêng để về kịp hàng dù giá đắt đỏ. Tình trạng hỗn loạn trong ngành vận tải biển không có dấu hiệu thuyên giảm. Đứt gãy chuỗi cung ứng khiến lạm phát leo thang và các nhà sản xuất Mỹ hiện phải đợi trung bình 92 ngày để lắp ráp các bộ phận và nguyên liệu họ cần để sản xuất hàng hóa. Đầu năm nay, giá vận chuyển tăng vọt và container trở nên khan hiếm. Nửa năm sau, tình trạng tắc nghẽn còn tồi tệ hơn, với gần 13% năng lực vận chuyển hàng hóa của thế giới bị trì hoãn, theo dữ liệu do Sea-Intelligence (Đan Mạch), tổng hợp.
Nguồn: Tổng hợp