Trung Quốc “chìa cành oliu” với châu Âu giữa lúc đối đầu Mỹ

Mục Lục

Trung Quốc đang tìm cách kéo châu Âu gần hơn với nước này để đẩy lùi kế hoạch của Mỹ nhằm tập hợp các đồng minh chống lại Bắc Kinh.

SCMP dẫn một số nguồn tin hôm nay (28/8) cho biết, ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc dự kiến có chuyến công du châu Âu vào tuần tới. Động thái này sẽ diễn ra vài ngày sau khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hoàn thành chuyến công du khu vực, trong bối cảnh Bắc Kinh đang tìm cách thúc đẩy quan hệ hợp tác tại châu Âu khi căng thẳng với Washington ngày càng gia tăng.

Theo các nguồn tin trên, ông Dương Khiết Trì dự kiến thăm Hy Lạp và Tây Ban Nha, ngoài ra ông cũng được cho là đang lên kế hoạch đến một điểm dừng tiềm năng ở Bồ Đào Nha.

Chuyến công du này của ông Dương Khiết Trì nhằm mục đích đặt nền móng cho Hội nghị Thượng đỉnh giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo EU vào giữa tháng 9 tới, đồng thời nêu bật tầm quan trọng chiến lược của châu Âu trong bối cảnh sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng.

Mikko Huotari, giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu Trung Quốc có trụ sở tại Berlin nhận định: “Ông Dương Khiết Trì là quan chức thân cận với Chủ tịch Tập Cận Bình và là người đại diện cấp cao cho chính sách đối ngoại của Trung Quốc, vì thế chuyến thăm của ông sẽ có ý nghĩa rất lớn. Hai chuyến thăm châu Âu của ông Vương Nghị và ông Dương Khiết Trì là nỗ lực kép chưa từng có của Trung Quốc nhằm chứng minh châu Âu là một đối tác chiến lược quan trọng của nước này”.

Chuyên gia Mikko Huotari cho biết, ông Dương Khiết trì có khả năng sẽ tìm cách vượt ra ngoài vấn đề công nghệ 5G nóng bỏng của Trung Quốc trong các cuộc đàm phán – một lĩnh vực thu hút nhiều sự chú ý ở châu Âu, và tập trung vào quan hệ đối tác với các quốc gia mà ông đến thăm. Hiện nay các nhà đầu tư của Trung Quốc đang thể hiện sự quan tâm đến các cơ sở hạ tầng cảng biển ở 3 quốc gia mà ông Dương Khiết Trì có kế hoạch thăm.

Mặc dù Trung Quốc đã sở hữu số cổ phần lớn tại cảng Piraeus của Hy Lạp, nhưng trong lĩnh vực 5G, Athens thừa nhận những lo ngại của Mỹ về lĩnh vực công nghệ của Bắc Kinh và cho biết tập đoàn Huawei không có thị trường lớn ở nước này.

Tại Tây Ban Nha, tập đoàn COSCO (China Ocean Shipping Company) của Trung Quốc nắm giữ 51% cổ phần của Noatum Port Holdings – một công ty hậu cần và khai thác cảng, kiểm soát các bến cảng chính của Valencia, Bilbao và Barcelona.

Và kế hoạch của Bồ Đào Nha xây dựng một bến container mới ở cảng Sines – bến cảng của châu Âu gần nhất với kênh đào Panama, đã thu hút sự quan tâm của cả Trung Quốc và Mỹ.

Wang Yiwei, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Âu tại Đại học Nhân dân Trung Quốc cho rằng, trọng tâm trong chuyến thăm lần này của ông Dương Khiết Trì là tăng cường hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc và châu Âu, giữa thời điểm Bắc Kinh đang thúc đẩy các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng ở các quốc gia ven biển châu Âu.

Trung Quốc muốn đẩy lùi kế hoạch của Mỹ

Ngoài mục đích nói trên, một số nhà quan sát nhận định, với hai chuyến thăm nói trên, Trung Quốc đang tìm cách kéo châu Âu gần hơn với nước này để đẩy lùi kế hoạch của Mỹ nhằm tập hợp các đồng minh chống lại Bắc Kinh.

Trước đó, Ngoại trưởng Vương Nghị đã khởi động chuyến công du châu Âu kéo dài một tuần, bắt đầu từ hôm 25/8, với các điểm dừng chân bao gồm Italy, Hà Lan, Na Uy, Pháp và Đức. Chuyến thăm của ông Vương Nghị diễn ra ngay sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tới khu vực, trong đó nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ cảnh báo Trung Quốc là mối đe dọa đối với tương lai của lục địa này. Hiện châu Âu đang rơi vào thế khó khi phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc.

Đối với Bắc Kinh, các chuyến thăm châu Âu là một phần trong nỗ lực ổn định những mối quan hệ quốc tế, đặc biệt là trong bối cảnh Washington tìm cách ngăn tập đoàn Huawei tham gia mạng 5G, điều chỉnh lại chuỗi cung ứng toàn cầu và ngăn các ứng dụng của Trung Quốc như TikTok và WeChat truy cập dữ liệu Mỹ.

Thời gian gần đây, Bắc Kinh đã giảm bớt những luận điệu chỉ trích Mỹ và cả 2 bên đã tái khẳng định cam kết đối với thỏa thuận thương mại giai đoạn một. Trước đó, ông Dương Khiết Trì đã có chuyến thăm Singapore và Hàn Quốc. Quan chức ngoại giao cấp cao này cũng thúc đẩy việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh ba bên giữa Trung Quốc với Hàn Quốc và Nhật Bản – hai đồng minh khác của Washington.

Gao Zhikai, cựu nhà ngoại giao Trung Quốc nhận xét rằng: “Những gì Bắc Kinh đang thực hiện là để giữ quan hệ với các nước khác không bị xấu đi và thể hiện bản thân theo cách khách quan hơn. Khi Mỹ gia tăng sức ép, Trung Quốc mong muốn đưa tình hình trở lại trạng thái bình thường”.

Bloomberg dẫn lời một nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho biết, ý nghĩa chiến lược của châu Âu đối với Bắc Kinh đã gia tăng khi quan hệ giữa nước này với Mỹ leo thang căng thẳng.

Dù Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến Trung Quốc-EU hồi tháng 6 vừa qua không mấy suôn sẻ nhưng Bắc Kinh nhận thấy mối quan hệ hai bên đang ấm dần lên khi châu Âu tìm cách phục hồi kinh tế sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Cuộc khủng hoảng Covid-19 trên toàn cầuvà cạnh tranh Mỹ-Trung đã làm tăng thêm sự phức tạp và thiếu chắc chắn trong quan hệ giữa Trung Quốc và EU. Dù còn tồn tại những mâu thuẫn và hoài nghi nhưng hai bên vẫn có tiềm năng thúc đẩy hợp tác, các chuyên gia của cả 2 phía nhận định.

 

Nguồn: Báo Hải Quan Online

Facebook
Telegram
Pinterest
Skype

Tin liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0915 611 366

Liên hệ với chúng tôi để được tư vấn!