Với việc hội nhập sâu rộng vào nền kinh thế thế giới, Việt Nam đang tham gia rất nhiều các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà trong đó yêu cầu đầu tiên là áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
Theo các chuyên gia thương mại, cơ chế này đem lại nhiều lợi ích trong việc giảm thiểu thời gian, chi phí giao dịch, chủ động trong phát hành hóa đơn thương mại và giúp doanh nghiệp nắm bắt những cam kết về quy tắc xuất xứ trong các FTA.
Tuy nhiên, tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải có trách nhiệm cao đối với giấy tờ tự chứng nhận của mình, chịu sự kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan có thẩm quyền và phải chịu chế tài nặng nếu vi phạm vấn đề liên quan.
Trong hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có quy định cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa, doanh nghiệp trong quá trình tự chứng nhận đã khai sai số CO xuất khẩu. Tuy nhiên, mặt hàng xuất khẩu và giấy chứng nhận đã được gửi đến cơ quan hải quan. Doanh nghiệp cần xử lý như thế nào?
Hậu quả gây ra trong tình huống này:
– Ảnh hưởng tới uy tín doanh nghiệp, mất thị trường xuất khẩu, giảm khả năng cạnh tranh ngành hàng xuất khẩu của doanh nghiệp.
– Chứng nhận doanh nghiệp đủ điều kiện xuất xứ hàng hóa có thể bị thu hồi.
– Nếu quá 60 ngày kể từ ngày thông quan hoặc cơ quan hải quan quyết định kiểm tra, doanh nghiệp có thể bị xử phạt theo chế tài quy định trong Nghị định 98/2020/NĐ-CP, tùy theo mức độ vi phạm.
Phương án xử lý trong trường hợp này:
– Liên hệ với cơ quan hải quan ngay lập tức khi phát hiện sai sót. Trường hợp doanh nghiệp phát hiện ra sai sót và ngay lập tức thông báo với cơ quan hải quan để chỉnh sửa bổ sung thì không tính là gian lận.
– Người khai hải quan, người nộp thuế ngay lập tức thực hiện khai bổ sung hồ sơ hải quan, gạch bỏ chỗ có lỗi và bổ sung các thông tin cần thiết. Tất cả những thay đổi này phải được chấp thuận bởi người có thẩm quyền ký C/O và được Tổ chức cấp C/O chứng nhận. Các phần còn trống phải được gạch chéo để tránh điền thêm hoặc cấp C/O mới để thay thế cho C/O có lỗi.
– Trong trường hợp sai sót là lỗi chính tả hoặc đánh máy không làm thay đổi nội dung, mã số trên chứng nhận xuất xứ hàng hóa và hàng hóa thực tế nhập khẩu phù hợp với mô tả hàng hóa trên chứng từ thì vẫn sẽ được chấp nhận.
Một số lưu ý cho doanh nghiệp trong quá trình tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa:
– Đối với các DN Việt Nam, để tránh sai sót, vi phạm các doanh nghiệp cần nắm vững quy trình sản xuất và quy định về quy tắc xuất xứ; có hệ thống lưu trữ chứng từ đáp ứng yêu cầu xác minh thường xuyên và đột xuất; nên xây dựng bộ phận chuyên trách về xuất xứ hàng hóa để phục vụ các yêu cầu xác minh khi cần thiết.
– Doanh nghiệp chỉ được tự khai báo xuất xứ đối với hàng hóa do mình sản xuất đã được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền và có đầy đủ các chứng từ cần thiết chứng minh hàng hóa đáp ứng các tiêu chí xuất xứ tại thời điểm tự khai báo xuất xứ; xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu.
Có nhiều trường hợp xảy ra trong quá trình khai xuất xứ hàng hóa mà chỉ do một sai sót có thể dẫn đến sự việc nghiêm trọng, thiệt hại cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần phải hết sức cẩn thận trong quá trình tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa, nắm vững kiến thức và nhanh chóng xử lý kịp thời để giảm bớt và ngăn chặn hậu quả.