Đa dạng hóa thị trường, tận dụng cơ hội hưởng hạn ngạch thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ là giải pháp giúp ngành hàng này mở rộng thị trường xuất khẩu.
Xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Trung Quốc
Theo Tổng cục Hải quan, năm 2021, xuất khẩu sắn đạt gần 2,9 triệu tấn, trị giá gần 1,2 tỷ USD, tăng 2,4% về lượng và 16,5% về trị giá so với năm 2020. Sắn và các sản phẩm từ sắn là một trong những mặt hàng nông sản vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng cả về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu trong năm qua.
Kim ngạch xuất khẩu sắn của Việt Nam đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Thái Lan |
Những tháng đầu năm 2022, sau sự sụt giảm về kim ngạch xuất khẩu trong tháng 1 và 2, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn tháng 3 có xu hướng tăng trở lại. Theo ước tính, tháng 3/2022, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt khoảng 450 nghìn tấn, trị giá 202 triệu USD, tăng 80,6% về lượng và tăng 97,1% về trị giá so với tháng 2/2022; so với tháng 3/2021 tăng 51% về lượng và tăng 79,1% về trị giá. Lũy kế 3 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn ước tính đạt khoảng 970 nghìn tấn, trị giá 420 triệu USD, giảm 0,6% về lượng, nhưng tăng 15,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Hiện sắn và sản phẩm sắn là một trong 13 sản phẩm nông sản chủ lực xuất khẩu của Việt Nam và là nước xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn đứng thứ 3 thế giới về sản lượng chỉ sau Thái Lan, Campuchia và đứng thứ 2 thế giới về kim ngạch xuất khẩu chỉ sau Thái Lan.
Tuy nhiên, ngành hàng này cũng đang còn nhiều tồn tại. Công nghệ trong nhiều nhà máy, nhất là các nhà máy nhỏ ở mức độ công nghệ trung bình, thậm chí còn lạc hậu, xử lý môi trường chưa được chú trọng dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp, lãng phí và ảnh hưởng tới môi trường. Chưa có nhiều giống sắn cho năng suất cao, chất lượng tốt, hàm lượng tinh bột cao và chống chịu bệnh khảm lá sắn;…
Dưới góc độ thị trường, ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) – cho biết, việc phối hợp giữa nhà máy và nông dân trồng sắn chưa chặt chẽ, cả về cơ chế lẫn lợi ích. Một số nhà máy chế biến không có hợp đồng liên kết và tổ chức sản xuất nguyên liệu nên không đủ nguyên liệu để hoạt động.
Phương thức thu mua và giá cả thiếu linh hoạt, chưa tạo được động lực khuyến khích nông dân trồng sắn, nhất là các vùng gần nhà máy. Giá cả xuất khẩu không ổn định, thị trường xuất khẩu yếu, lệ thuộc vào nước ngoài; thiếu chính sách bảo hộ cho nông dân trồng sắn ở vùng sâu, vùng xa.
Đáng chú ý, thị trường sắn có nhiều khâu trung gian, mỗi công đoạn có nhiều tác nhân tham gia nên thị trường khá phức tạp, tranh mua, tranh bán quyết liệt. Thị trường mang tính chất đầu cơ, cạnh tranh về giá dẫn tới hậu quả là khoảng cách giữa giá thu mua của nông dân và giá tiêu thụ tăng, các khâu trung gian được hưởng lợi.
Thị trường xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn còn hạn chế, chủ yếu vẫn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, chiếm trên 95% tổng sản lượng sắn và sản phẩm từ sắn và ngày càng phải cạnh tranh gay gắt từ Thái Lan, Campuchia và Lào. Việc phụ thuộc gần như hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc, điều này dẫn đến sự thiếu bền vững, và bị động.
Trong khi đó, cạnh tranh quốc gia thấp do thị trường tiêu thụ sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam có nhiều khâu trung gian, chi phí logistics của Việt Nam cao hơn Thái Lan, Trung Quốc…
Một nghịch lý nữa được ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nêu ra đó là tiêu thụ sắn và sản phẩm sắn trong nước chiếm khoảng 30% tổng sản lượng sắn dùng chế biến thức ăn chăn nuôi, làm thức ăn cho gia súc, nguyên liệu đầu vào cho công nghiệp, sản xuất cồn rượu, bột ngọt, mỳ ăn liền, đường lỏng, tinh bột biến tính, bánh kẹo. Trong khi đó chúng ta lại phải nhập khẩu khá nhiều nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu dùng trong công nghiệp chế biến thực phẩm.
Đa dạng hóa thị trường
Theo dự báo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), năm 2022, Trung Quốc sẽ có nhu cầu nhập khẩu sắn lớn hơn nữa và sẽ nhập khẩu nhiều hơn sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam do điều kiện địa lý thuận lợi. Tuy nhiên, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc sắp tới sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì hàng loạt quy định, tiêu chuẩn mới được Tổng cục Hải quan Trung Quốc ban hành và áp dụng từ đầu năm 2022.
Hiện sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, tuy nhiên hơn 65% sản lượng xuất khẩu theo hình thức giao hàng tại biên giới, qua các cửa khẩu ở Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai.
Trong khi, từ ngày 01/01/2022, Trung Quốc đã trở thành thành viên của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) nên sản phẩm xuất khẩu không đạt tiêu chuẩn của các thị trường thành viên RCEP sẽ không chỉ đối diện với việc mất thị trường mà còn có nguy cơ ảnh hưởng tới cả một ngành sản xuất.
Cục Xuất nhập khẩu khuyến nghị, các doanh nghiệp xuất khẩu sắn cần chuyển mạnh sang xuất khẩu theo hướng chính ngạch. Mặt khác, cần tiến hành rà soát lại quy hoạch vùng trồng và tổ chức lại sản xuất để sản phẩm của Việt Nam phải là sản phẩm sạch, đáp ứng được tiêu chí thị trường, nhất là trong bối cảnh tới đây thực hiện đề án xuất khẩu chính ngạch; tiếp tục mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm sắn Việt Nam.
Ngoài việc giữ vững thị trường truyền thống là Trung Quốc, ông Nguyễn Quốc Toản cho rằng, cần chú trọng hướng tới các thị trường có nhu cầu nhập khẩu sắn lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan…
Đáng chú ý, theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã ký kết thì tinh bột sắn là sản phẩm được cấp hạn ngạch miễn thuế quan đứng thứ hai sau lúa gạo là 30.000 tấn/năm (thuế xuất khẩu tinh bột sắn ngoài hạn ngạch là 166 EUR/tấn; sắn củ tươi, sắn đông lạnh cắt lát hoặc không ngoài hạn ngạch tính thuế là 9,5 EUR/kg).
Hiện nay ngành sắn Việt Nam vẫn chưa tận dụng được các cơ hội nêu trên để mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước, các khu vực có ký FTA để tận dụng các cơ hội hưởng hạn ngạch thuế quan và mở rộng thị trường xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn của Việt Nam.
Do đó, thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường EU nói riêng, thị trường các khu vực có ký FTA để tận dụng hưởng hạn ngạch thuế quan và mở rộng thị trường xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn của Việt Nam cũng được các chuyên gia khuyến nghị.
Theo Báo Công Thương