Dù chịu nhiều tác động từ dịch Covid-19, rủi ro từ các quốc điều tra từ các thị trường xuất khẩu, thay đổi về cơ chế, chính sách của Việt Nam trong việc kiểm soát tính hợp pháp của nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu. Tuy nhiên, xuất khẩu của cả năm 2020 sẽ cán mốc gần 12,5 tỷ USD, dẫn đầu trong việc kéo kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng nông – lâm sản trong cả nước lên trong thời gian vừa qua.
Sáng ngày 21/12, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam phối hợp với các hiệp hội, hội, ngành gỗ tổ chức hội thảo “Tăng cường kiểm soát rủi ro trong các hoạt động xuất nhập khẩu mặt hàng gỗ”.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Đỗ Xuân Lập – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam – cho biết, năm 2020 là năm đặc biệt đối với ngành gỗ. Về xuất khẩu, ngạch xuất khẩu tăng mạnh trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành, đặc biệt trong quý II và III của năm nay. Tính hết 11/2020, kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt trên 11 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ 2019.
Theo đà hiện nay, chắc chắn giá trị xuất khẩu của cả năm 2020 sẽ cán mốc gần 12,5 tỷ USD. Theo đánh giá của Chính phủ, ngành gỗ là một trong những ngành dẫn đầu trong việc kéo kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng nông – lâm sản trong cả nước lên trong thời gian vừa qua.
Khía cạnh đặc biệt thứ 2 có liên quan đến rủi ro từ các quốc gia thực hiện điều tra các thị trường xuất khẩu nhắm vào các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Có thể nói, ngành gỗ đang ở đầu “chiến tuyến” trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa các cường quốc đang tiếp tục diễn ra. Từ đầu năm đến nay, ngành liên tiếp phải đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá từ Hoa Kỳ, từ Hàn Quốc, cụ thể đối với mặt hàng gỗ dán có liên quan đến các hành vi gian lận thương mại, lẩn tránh thuế.
Gần đây nhất, Cơ quan đại diện Thương mại của Hoa Kỳ cáo buộc ngành gỗ Việt Nam sử dụng gỗ bất hợp pháp tại thị trường nội địa và trong sản phẩm xuất khẩu vào Hoa Kỳ. Nguy cơ Chính phủ Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp hạn chế thương mại đối với các mặt này gỗ của Việt Nam vào các thị trường này là rất lớn.
Khía cạnh đặc biệt thứ 3 có liên quan đến thay đổi về cơ chế, chính sách của Việt Nam trong việc kiểm soát tính hợp pháp của nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu. Nghị định 102 được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 1/9/2020 quy định hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp thiết lập các cơ chế kiểm soát gỗ nhập khẩu. Nghị định quy định gỗ nhập khẩu được quản lý rủi ro theo các tiêu chí xác định quốc gia thuộc vùng địa lý tích cực hoặc không tích cực, loại gỗ thuộc loại rủi ro hoặc không thuộc loại rủi ro. Thực hiện tinh thần này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định 8432 ngày 27/11/2020 vừa qua, công bố Danh sách vùng địa lý tích cực và Danh mục các loài gỗ nhập khẩu vào Việt Nam.
Tại hội thảo, các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia, hiệp hội, ngành hàng đã cùng nhau thảo luận các vấn đề gồm: Ngành gỗ đang đứng trước một số câu hỏi lớn. Làm thế nào để ngành có thể duy trì động lực tăng trưởng của ngành như hiện nay? Làm thế nào để ngành có thể giảm thiểu được các rủi ro từ các cuộc điều tra hiện tại, và trong tương lai? Làm thế nào để các doanh nghiệp có thể tuân thủ chặt chẽ các quy định về kiểm soát gỗ nhập khẩu? Và làm thế nào để các cơ quan quản lý có thể tạo sự thông thoáng cho các doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp nhập khẩu gỗ nguyên liệu, làm ăn chân chính, lành mạnh.
Các doanh nghiệp cũng được chia sẻ từ đại diện Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), Cục Giám sát quản lý về Hải quan, Cục Kiểm lâm về các khía cạnh kỹ năng phòng vệ thương mại, các vấn đề liên quan tới gian lận thương mại trong hoạt động xuất, nhập khẩu, gian lận xuất xứ hàng hóa. Bên cạnh đó, chúng ta cũng sẽ tiếp cận với chia sẻ về các cơ chế kiểm soát gỗ nguyên liệu nhập khẩu.
Ông Phùng Gia Đức – Phó Trưởng phòng Xử lý phòng vệ thương mại nước ngoài – Cục Phòng vệ Thương mại – cho biết: đến nay Việt Nam đã bị điều tra tổng cộng 199 vụ việc, trong 5 năm gần đây nhất có tới 97 vụ điều tra phòng vệ thương mại. Các thị trường điều tra nhiều nhất là Hoa Kỳ, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Australia, Canada, EU, Philippines. Riêng trong năm 2020, Việt Nam đang bị điều tra 37 vụ việc. Các vụ việc liên quan tới sản phẩm gỗ của Việt Nam gồm Hoa Kỳ điều tra chống lẩn tránh thuế đối với sản phẩm gỗ dán. Ấn Độ điều tra chống bán phá giá đối với gỗ ván MDF.
Để tránh các vụ việc bị điều tra chống bán phá giá, chống lẩn tránh thuế, ông Đức cho hay, các doanh nghiệp cần có kiến thức về phòng vệ thương mại. Vì đây là cuộc chơi ta buộc phải tham gia. Phải hiểu đúng bản chất của công cụ này để có ứng phó phù hợp. Khi xuất khẩu sang thị trường nào đó, phải có nguồn thông tin từ các đối tác nhập khẩu từ chính thị trường đó. Ngay khi có thông tin về điều tra chống bán phá giá, các doanh nghiệp phải có những hành động ứng phó. Bộ Công Thương sẽ đưa ra những thông tin cảnh báo để hỗ trợ doanh nghiệp. Hơn nữa, cần có bộ kiểm soát về giá trị, lượng xuất khẩu sang thị trường đó. Sử dụng thông tin để hưởng mức thuế thấp nhất.
“Thông tin là vô cùng quan trọng. Khi nắm thông tin sớm sẽ giải quyết được nhiều vấn đề. Hiện Bộ Công Thương có cơ chế cảnh báo sớm. Trong 2 quý gần đây, chúng tôi liên tục cập nhật sản phẩm gỗ có nguy cơ bị kiện”, ông Đức nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề này, bà Phan Mai Quỳnh – Phòng Điều tra thiệt hại và tự vệ (Cục Phòng vệ thương mại) – lưu ý, trước khi có vụ việc xảy ra, các nhà xuất khẩu cần cập nhật danh mục cảnh báo sớm của Cục Phòng vệ thương mại; xây dựng đội ngũ về lĩnh vực phòng vệ thương mại trong nội bộ; tìm hiểu quy định phòng vệ thương mại của nước điều tra; đa dạng hóa sản phẩm; tập trung vào các sản phẩm chất lượng cao; đa dạng hóa thị trường. Đối với nhà sản xuất trong nước, cần theo dõi tình hình hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam, đồng thời sử dụng công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Nếu có sự chuẩn bị kỹ lưỡng thì sẽ vượt qua được các hàng rào điều tra chống bán phá giá từ các nước.
Ông Đỗ Xuân Lập cho hay, thông qua hội thảo, các doanh nghiệp ngành gỗ được trang bị kiến thức cho các doanh nghiệp về phòng vệ thương mại; cung cấp thông tin chi tiết cho doanh nghiệp về các yêu cầu trong kiểm soát gỗ nguyên liệu nhập khẩu theo tinh thần Nghị định 102; tìm hiểu các khó khăn của doanh nghiệp trong việc tuân thủ nghị định này, đặc biệt về khía cạnh trách nhiệm giải trình; thảo luận về các biện pháp nhằm giảm rủi ro cho các doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu.
congthuong.vn
Xem Thêm:
- Chương trình ưu đãi tháng 12 dành cho doanh nghiệp khi đăng ký mới hay gia hạn gói GLOBAL GOLD SUPPLIER(GGS) >> Link
- 5+ Website TMĐT đưa Alibaba trở thành gã khủng lồ trên thị trường? >> Link
- Thị trường Trung Quốc sẽ rất nhộn nhịp trong ngày lễ độc thân sắp tới >> Link
- Những kinh nghiệm giúp bán hàng trên Alibaba hiệu quả mới nhất>> Link
- Tìm hiểu về Alibaba và chiến lược xây dựng doanh nghiệp thông minh >> Link
- HƯỚNG DẪN TẠO GIAN HÀNG TRÊN ALIBABA >> Link
- Đại diện ALibaba tại Việt Nam >> Link
Liên hệ để được hỗ trợ
Công ty CP Thương Mại & Dịch Vụ HBS Việt Nam
VPHN : P512,Tòa nhà Toyota ,15 Phạm Hùng,Mỹ Đình 2,Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
VPHCM : Tòa nhà ArchGroup, 27 Hoàng Hoa Thám, P6, Quận Bình Thạnh, Hồ Chí Minh
Tel: 0938 11 6869 – Mobile: 0938 11 6869
Website: hbsvietnam.com – https://alibabavietnam.vn