Ống thép chính xác Việt Nam vẫn chưa có được kết quả điều tra cuối cùng tại Australia
Ngày 19/7/2021, Ủy ban Chống bán phá giá Australia (ADC) gia hạn lần thứ 5 thời gian ban hành Kết luận điều tra cuối cùng vụ việc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm ống thép chính xác (precision pipe and tube steel) có xuất xứ từ Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).
Thời gian điều tra bán phá giá và trợ cấp từ 1/1/2019 đến 31/12/2019, trong khi thời kỳ điều tra thiệt hại là từ 01/01/2016 tới nay.
Ngày 1/6/2021, cơ quan điều tra của Australia đã ban hành Kết luận điều tra sơ bộ xác định ống thép chính xác có xuất xứ từ Việt Nam không bán phá giá và không nhận trợ cấp từ Chính phủ.
Châu Phi- Thị trường xuất khẩu tiềm năng cho nhiều loại hàng hoá Việt Nam
Với quy mô dân số lớn, nhu cầu tiêu dùng cao trong khi sản xuất nội khối chưa phát triển, châu Phi được nhận định là thị trường xuất khẩu tiềm năng cho hàng hoá của Việt Nam. Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực châu Phi ngày càng đa dạng. Bên cạnh các mặt hàng như nông sản, dệt may, da giày đã có thêm những mặt hàng công nghiệp có giá trị gia tăng cao như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại di động, máy móc, thiết bị phụ tùng … Hơn thế nữa, môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện nhờ xu thế hòa bình và tăng cường liên kết khu vực nên dư địa để mở rộng hợp tác song phương là rất lớn.
Gạo ST24, ST25 được thế giới ưa chuộng
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt gần 3 triệu tấn với trị giá 1,64 tỉ đô la Mỹ, giảm 14,8% về lượng và 4,7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Trong bối cảnh chung đó, gạo ST25 và ST24 lại có mức tăng trưởng cao, dù mới được đưa vào sản xuất thời gian gần đây. 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo ST24 đạt 23.560 tấn, tăng 800% so với cùng kỳ năm ngoái và gạo ST25 đạt 2.570 tấn, tăng đến 1.470% so với cùng kỳ. Trong đó, có khoảng 90% lượng gạo ST24 được bán cho Trung Quốc và gần như 100% gạo ST25 được xuất khẩu đi thị trường Mỹ.
Giảm tối đa 3% thuế nhập khẩu ngô, lúa mỳ, giúp thức ăn chăn nuôi, bánh kẹo, thực phẩm hưởng lợi
Khoảng 45 – 50% trang trại gia cầm lớn treo chuồng và khoảng 70 – 75% gia trại và số hộ chăn nuôi tạm ngừng tái đàn do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Tình trạng này nếu tiếp tục kéo dài sẽ dẫn đến thiếu hụt nguồn cung trong nước về sản phẩm gia cầm trong quý 4. Bộ Tài chính đề xuất giảm tối đa 3% mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi thông thường (thuế suất MFN) của mặt hàng lúa mỳ và ngô, hạ nhiệt giá nguyên vật liệu đầu vào ngành thức ăn chăn nuôi, thúc đẩy các ngành khác như bánh kẹo, thực phẩm. Qua đó, hỗ trợ cho doanh nghiệp trong các ngành này vượt qua khó khăn do giá nguyên liệu tăng cao hiện nay. Đồng thời, góp phần cân bằng cán cân thương mại với các đối tác thương mại quan trọng của nước ta.
USTR quyết định dỡ bỏ đe dọa thuế quan đối với Việt Nam
Ngày 23/7/2021, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cho biết họ đã quyết định không có hành động thuế quan nào đối với Việt Nam sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đạt được thỏa thuận với Bộ Tài chính Mỹ không thao túng tiền tệ để có lợi thế xuất khẩu.
Thỏa thuận này diễn ra sau nhiều tháng Mỹ gây áp lực lên Việt Nam về các thông lệ tiền tệ và thặng dư thương mại với Mỹ tăng cao. Trong những tuần cuối cùng của nhiệm kỳ, chính quyền Trump đã tuyên bố Việt Nam thao túng tiền tệ và đe dọa sẽ áp đặt thuế quan trừng phạt đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam
Xuất khẩu hạt tiêu đạt trị giá 496,84 triệu USD trong 6 tháng đầu năm
Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam giảm 7,5% về lượng, nhưng tăng 39,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, đạt trên 154 nghìn tấn, trị giá 496,84 triệu USD. Xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam khá thuận lợi trong tháng 6/2021, tuy nhiên diễn biến phức tạp của làn sóng Covid-19 lần thứ 4 sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu mặt hàng này trong thời gian tới. Theo Hiệp hội Hạt tiêu Việt Nam, do ảnh hưởng của làn sóng Covid-19 lần thứ 4 và giá cước phí vận chuyển quá cao, sức mua của doanh nghiệp hạn chế, hàng tồn kho ở mức cao, lượng hạt tiêu trong dân còn khá nhiều.
Cạnh tranh với Philippines, chuối Việt Nam cần nâng cao chất lượng tại thị trường Hàn Quốc
Chuối là loại trái cây ưa chuộng tại Hàn Quốc và là sản phẩm mà Hàn Quốc phải nhập khẩu gần như 100% do điều kiện canh tác không thuận lợi. Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Thương mại Hàn Quốc (KITA), trong 5 tháng đầu năm 2021, Hàn Quốc nhập khẩu trái chuối (mã HS 0803) đạt 155,3 nghìn tấn, trị giá 131,5 triệu USD, tăng 3,4% về lượng và tăng 8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, sản lượng chuối Việt Nam nhập khẩu vào Hàn Quốc đang có sự tăng trưởng thấp.
Do đó, để nâng cao thị phần trái chuối tại Hàn Quốc, chuối Việt Nam cần được cải thiện đặc tính sản phẩm, giảm chi phí logistics, thời gian bảo quản lưu trữ sản phẩm và phải tuân thủ quy định hệ thống danh mục thuốc bảo vệ thực vật mới của Hàn Quốc (PLS) áp dụng từ năm 2019.
Nguồn: Tổng hợp